Văn phòng đại diện là gì? Chi nhánh là gì?

Phân biệt sự khác nhau giữa văn phòng đại diện và chi nhánh

Một doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng thị trường đến một địa điểm mới thường phân vân không biết nên thành lập văn phòng đại diện hay chi nhánh tại địa điểm đó. Sự lựa chọn này sẽ ảnh hưởng bởi đặc tính, nhu cầu mà doanh nghiệp, công ty đó muốn hướng đến. Nhằm giúp bạn có được sự lựa chọn chính xác, hãy tham khảo bài viết văn phòng đại diện là gì? Chi nhánh là gì? Phân biệt sự khác nhau giữa văn phòng đại diện và chi nhánh dưới đây để có những thông tin bổ ích.

Văn phòng đại diện là gì?

Theo quy định của Pháp luật, văn phòng đại diện được hiểu là đơn vị có sự phụ thuộc, được điều hành và kiểm soát bởi doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ ủy quyền trực tiếp đến văn phòng đại diện nhằm thực hiện những hoạt động mang đến lợi ích cho doanh nghiệp cũng như bảo vệ những lợi ích đó như ký kết các hợp đồng, văn kiện,… Văn phòng đại diện phải hoạt động theo nội dung hoạt động của doanh nghiệp, không được sai khác.

Theo quy định Pháp luật, doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài đều có thể mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và một địa phương có thể mở nhiều hơn một văn phòng đại diện.

Về hoạt động kinh doanh: Văn phòng đại diện không được phép hoạt động kinh doanh tạo ra lợi nhuận mà chỉ có chức năng liên lạc, nghiên cứu, khai thác và tiếp cận thị trường cũng như cung cấp thông tin về doanh nghiệp. Ngoài ra, văn phòng đại diện có thể thực hiện các hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm đến khách hàng, đối tác mới cho doanh nghiệp.

Về thẩm quyền: Văn phòng đại diện không có quyền ký kết hợp đồng, văn bản,… ngoại trừ khi có được sự ủy quyền từ doanh nghiệp. Văn phòng đại diện cũng không sở hữu con dấu riêng.

Về tài chính: Mọi chi phí, vấn đề tài chính phát sinh tại văn phòng đại diện đều do doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Từ đó việc hoạch toán cũng do doanh nghiệp thực hiện và quyết định.

Chi nhánh là gì?

Tương tự như văn phòng đại diện, chi nhánh cũng là đơn vị phụ thuộc vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngoài việc có toàn bộ hoặc một phần chức của doanh nghiệp, chi nhánh còn có thể tự kinh doanh với ngành, nghề đã đăng ký. Chi nhánh có thể tự nhân danh và có con dấu riêng để thực hiện việc ký kết văn bản, hợp đồng.

Về hoạt động kinh doanh: Chi nhánh cũng thực hiện các hoạt động kinh doanh tạo ra lợi nhuận như doanh nghiệp mẹ.

Về thẩm quyền đại diện: Doanh nghiệp có thể ủy quyền đại diện cho giám đốc chi nhánh để thực hiện điều dành toàn bộ các vấn đề liên quan đến chi nhánh đó.

Về tài chính: Chi nhánh không tách biệt vấn đề tài chính mà phụ thuộc vào doanh nghiệp mẹ. Tuy nhiên, chi nhánh có thể tự hạch toán hoặc phụ thuộc vào doanh nghiệp.

Phân biệt sự khác nhau giữa văn phòng đại diện và chi nhánh

Nói về điểm giống nhau, cả văn phòng đại diện và chi nhánh đều phụ thuộc trực tiếp và do doanh nghiệp quản lý, chỉ thực hiện các hoạt động khi có sự ủy quyền.

Và khác nhau ở những điểm cơ bản như sau:

– Việc kinh doanh tạo ra lợi nhuận chỉ được thực hiện tại chi nhánh với những ngành, nghề đã được đăng ký, còn văn phòng đại diện thì không được phép.

– Văn phòng đại diện không có con dấu riêng cũng như không được tự nhân danh để ký kết, đóng dấu văn bản, hợp đồng. Chi nhánh có quyền ký kết các văn bản, hợp đồng kinh tế với con dấu chi nhánh riêng của mình.

Nên thành lập văn phòng đại diện hay chi nhánh công ty?

Câu hỏi này sẽ được trả lời nếu bạn xác định được mục đích của của doanh nghiệp mình. Nếu bạn chỉ muốn thành lập một văn phòng nhằm thực hiện các vấn đề giao dịch, liên lạc với khách hàng, đối tác trong cùng địa phương thì bạn nên thành lập văn phòng đại diện. Còn nếu như bạn muốn mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao lợi nhuận sang những địa phương, khu vực khác thì chi nhánh sẽ là lựa chọn tối ưu.

Nắm rõ các thông tin cần thiết về văn phòng đại diện là gì? Chi nhánh là gì? Sẽ giúp bạn lựa chọn được chính xác, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp mình. Với những thông tin trên đây mong rằng đã phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn.

Post navigation